Thứ năm, 02/10/2014

Seawind Group (Úc) muốn đưa Đà Nẵng thành trung tâm du thuyền châu Á

Chiều 1/10, ông Mike Rees, Giám đốc điều hành Công ty Corsair Marine thuộc Seawind Group (Úc) đã trình bày với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết dự án nhà máy đóng du thuyền tại TP này

 

Theo ông Mike Rees, Seawind Group là nhà sản xuất thuyền buồm và du thuyền hạng sang lớn nhất tại Úc với hai thương hiệu nổi tiếng thế giới là Corsair Marine và Seawind Catamarans, năng lực sản xuất mỗi năm 60 – 100 du thuyền dài từ 6 – 16m phục vụ cho công nghiệp giải trí biển ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc và châu Á. Việt Nam hiện có 5 du thuyền của Seawind Group tại các khu resort ở Nha Trang. Đây cũng là nhà tổ chức các cuộc đua du thuyền quốc tế quy mô lớn, riêng tại Phukhet (Thái Lan) đã 5 – 6 cuộc.

Ông Mike Rees trình bày với lãnh đạo TP Đà Nẵng dự án nhà máy đóng du thuyền hạng sang tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

 

 

Tại Việt Nam, Seawind Group đang vận hành nhà máy đóng du thuyền ở quận 7 (TP.HCM) với diện tích 8.000m2, sử dụng 210 công nhân, đến nay đã xuất khẩu 340 du thuyền 2 khoang Corsair và 27 thuyền buồm 3 khoang Catamarans. Hiện nhà máy này đã hoạt động hết công suất song không đủ đáp ứng nhu cầu đặt hàng ngày càng lớn nên Seawind Group muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và chọn địa bàn thích hợp cho việc nâng năng lực sản xuất lên gấp đôi trong vòng 2 năm tới và phát triển lâu dài.

Trong đó, Đà Nẵng được tập đoàn này nhắm đến là một nơi rất phù hợp để xây dựng nhà máy đóng du thuyền hạng sang Corsair và Catamarans (bằng vật liệu conposites và sợi carbon, không gây ô nhiễm môi trường) với quy mô xuất khẩu 70 chiếc/năm; cung cấp các dịch vụ sửa chữa, nâng cấp du thuyền; cho thuê du thuyền; tổ chức các tour du lịch bằng du thuyền, các cuộc đua thuyền buồm quốc tế... để đưa TP này trở thành trung tâm du thuyền của Việt Nam và cả châu Á trong tương lai.

Theo ông Mike Rees, cũng như nhiều công ty quốc tế khác, Seawind Group đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất chi phí thấp ở châu Á. Tuy nhiên Trung Quốc hiện không còn là lựa chọn tối ưu do chi phí nhân công tăng, chất lượng không đồng đều, môi trường kinh doanh khó khăn. Trong khi đó, công nhân Việt Nam rất giỏi, chi phí cạnh tranh, đạo đức nghề nghiệp cao, và đặc biệt là Việt Nam có bờ biển dài, có nhiều địa điểm phù hợp với việc phát triển ngành công nghiệp giải trí biển.

 

"Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc hiện là các trung tâm du thuyền ở châu Á. Việt Nam có bờ biển dài 3.200km đạt đẳng cấp quốc tế để phát triển hoạt động du thuyền, hạ tầng mặt nước tốt để phát triển mảng dịch vụ cao cấp nhưng không có trung tâm du thuyền nào và rất ít du thuyền quốc tế dừng lại tại đây là một sự lãng phí lớn. Bởi chủ các chủ du thuyền thường chi dùng rất nhiều, luôn cần hoạt động bảo trì, sửa chữa, hành khách và thủy thủ cũng sẽ đem lại nguồn thu và giúp phát triển loại hình du lịch cao cấp lên một tầng cao hơn” - ông Mike Rees nói.

Ông cũng cho biết, hiện Seawind Group đang có nhu cầu bức thiết về việc di dời nhà máy ở TP.HCM nên nếu được lãnh đạo TP Đà Nẵng chấp thuận thì Seawind Group sẽ tiến hành đầu tư ngay, sau 8 tháng là có thể đi vào sản xuất và sau 3,5 – 4 năm sẽ hoàn thành toàn bộ dự án gồm nhà máy đóng du thuyền, bến du thuyền và cầu tàu, CLB du thuyền...

Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, ngành công nghiệp giải trí biển hiện có giá trị khoảng 320 tỉ USD và tạo việc làm cho 2 triệu người trên thế giới. Ở châu Á, Trung Quốc và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu trong việc phát triển ngành công nghiệp này, tuy nhiên họ không có được ưu thế lý tưởng về vị trí địa lý và cảnh quan như Việt Nam và đặc biệt là Đà Nẵng.

Ông Mike Rees cam kết nếu được Đà Nẵng chấp thuận sẽ tiến hành đầu tư ngay và sau 8 tháng sẽ đưa nhà máy đóng du thuyền đi vào sản xuất (Ảnh: HC)

“Tuy dự án của Seawind Group có tổng vốn đầu tư chỉ ở mức 20 – 30 triệu USD nhưng đây là dự án đầy tiềm năng có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí biển tại Đà Nẵng. Việc một tập đoàn có danh tiếng như Seawind Group đi tiên phong vào thị trường Đà Nẵng sẽ tạo cơ hội rất lớn thu hút các doanh nghiệp khác trên lĩnh vực này, nâng thương hiệu du lịch của TP lên một tầm cao mới” – ông Lâm Quang Minh nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đánh giá dự án của Seawind Group rất phù hợp với định hướng chiến lược của Đà Nẵng, vừa phát triển sản xuất vừa phát triển dịch vụ, du lịch, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho TP. Ông yêu cầu các sở, ngành hữu quan tích cực xác định địa điểm thích hợp để lãnh đạo TP hồi âm chính thức cho Seawind Group trong thời gian sớm nhất. “Nếu chúng ta chậm chân, không hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư thì nhiều nơi khác sẽ đón lấy cơ hội này!” – ông Phùng Tấn Viết nói.
 

HẢI CHÂU


 

Theo infonet.vn