Thứ tư, 08/01/2014

Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp (DN) phía nam Trung Quốc đang rất quan tâm tới môi trường đầu tư tại Đà Nẵng, đặc biệt các lĩnh vực công nghệ cao, du lịch, điện tử... Tiếp xúc với Đoàn DN Trung Quốc chiều 7-1, lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN Trung Quốc đầu tư vào TP có hiệu quả.

 

Là TP động lực của khu vực miền Trung với rất nhiều lợi thế, vì vậy trong xu thế mở rộng đầu tư sang Việt Nam, các DN Trung Quốc đặc biệt chú ý tới Đà Nẵng. Ông Lan Vân Cảng, Chủ tịch HĐQT Cty điện tử Hạo Nhạc TP Thâm Quyến cho biết, Đà Nẵng là viên ngọc của miền Trung, một TP phồn vinh của Việt Nam.
 

 

Đoàn DN Trung Quốc tìm hiểu chính sách đầu tư tại Đà Nẵng.


Với bãi biển tươi đẹp luôn rực rỡ ánh nắng mặt trời, ông Cảng cảm nhận được sự ấm áp tại đây và mong muốn tìm một cơ hội đầu tư. Không chỉ ông Cảng, nhiều doanh nhân trong đoàn 17 DN Trung Quốc cũng có suy nghĩ như thế về Đà Nẵng. Ông Lưu Ba, Phó Tổng Giám đốc Cty Liên hợp tài nguyên và công trình tỉnh Vân Nam cho biết, Cty của ông đã làm ăn tại Việt Nam trong 10 năm qua và phát triển rất tốt với doanh số khoảng 600 triệu USD.

Nhưng lĩnh vực của Cty ông Ba tham gia chủ yếu làm tổng thầu xây dựng, trao đổi thương mại. Trong khoảng 2 năm nay ông Ba nhận thấy việc đầu tư vào Việt Nam, nhất là Đà Nẵng có nhiều triển vọng. Ông Ba thấy Đà Nẵng rất giống với Côn Minh (Vân Nam) đặc biệt về tiềm năng du lịch. Đi dọc bãi biển Đà Nẵng có nhiều dự án du lịch được triển khai, một số đã hoàn thành, một số còn dang dở.

Vấn đề ông Ba thắc mắc là vì sao nhiều dự án vẫn dở dang, phải chăng vì các khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng đã bão hòa? Với dự định đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ phát triển hạ tầng du lịch nên ông Ba rất muốn biết chính sách phát triển du lịch trong tương lai của TP thế nào...

Trả lời thắc mắc này, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, một số dự án du lịch ven biển tạm dừng do vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đang tính toán phân kỳ đầu tư cho hợp lý chứ không phải do khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng bão hòa. Bằng chứng là hàng loạt các dự án lớn như Silver Shoes Hoàng Đạt, Capital, Azura, Vinpearl Land... đều đạt công suất khai thác trên 70%, thậm chí có dự án tới 90%.

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, đặc biệt ở Đà Nẵng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, các dự án đầu tư du lịch đang được triển khai trở lại. Vì vậy, đầu tư phát triển thiết bị hạ tầng du lịch lúc này hợp lý, hứa hẹn nhiều triển vọng. Với Đà Nẵng, TP đã xác định 5 mũi nhọn đột phá trong đó du lịch là động lực chủ chốt nên có nhiều ưu tiên, nhiều chính sách phát triển trong tương lai gần.

Ông Trương Hào, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng ngành dịch vụ chiếm 60%, nổi lên là du lịch với hơn 3 triệu lượt khách năm 2013.

Trong đó, khách Trung Quốc đứng đầu lượng khách quốc tế tới Đà Nẵng với 105 ngàn lượt trong năm 2013, tăng 14%. Sở dĩ có kết quả này vì từ năm 2009, ngoài đường bay trực tiếp Quảng Châu- Đà Nẵng được duy trì thường xuyên, còn có nhiều chuyến bay nối Đà Nẵng với Macau, Đài Bắc, Côn Minh, Thành Đô, Thượng Hải...

Tuy vậy, ông Hào cũng cho biết, trong tổng số 3,3 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng thì đầu tư từ Trung Quốc còn khá khiêm tốn. Hiện tại TP chỉ có 7 Cty của Trung quốc (tổng vốn đầu tư gần 4 triệu USD) và 9 Cty Hồng Kông (tổng vốn gần 50 triệu USD). Đà Nẵng đang ưu tiêu phát triển du lịch, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ vì thế có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho các lĩnh vực này.

Đơn cử như khi đầu tư vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng (diện tích hơn 1.000 ha, hiện đã có một số nhà đầu tư từ Nhật) thì các DN Trung Quốc sẽ được ưu ái về thuế, thuế thuê đất... Có thể nói chính sách ưu đãi vào khu Công nghệ cao này hiện thông thoáng nhất Việt Nam. Với chính sách ưu đãi này, ông Đồ Hạc, Tổng Giám đốc Cty điện tử Phố Nguyên, TP Quảng Châu cho biết, rất muốn đầu tư xây dựng ở đây một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn, nhưng lại tỏ ra lo lắng về nguồn nhân lực không đáp ứng được.
 

Với nền tảng hạ tầng tốt, Đà Nẵng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.


Phó chủ tịch Phùng Tấn Viết khẳng định sẽ không thiếu nhân lực chất lượng cao cho các dự án ở khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện có 24 trường đại học, cao đẳng; 59 trường THCN, dạy nghề đào tạo tất cả các lĩnh vực không chỉ đáp ứng nhân lực cho Đà Nẵng mà cho cả miền Trung. Đặc biệt với nguồn nhân lực phục vụ cho khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã tính trước và chuẩn bị từ nhiều năm nay nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm.

Từ nền tảng hạ tầng tốt, vị trí chiến lược, chính sách thông thoáng cùng cam kết hỗ trợ hết mình của lãnh đạo TP vì thế nhiều DN Trung Quốc tỏ ra hào hứng với môi trường đầu tư ở Đà Nẵng. Nói như ông Lai Vân Cảng, Trưởng đoàn, việc tiếp xúc, tìm hiểu và đi thực tế tại Đà Nẵng lần này như tiền đề mở ra cơ hội “bén duyên” với TP phồn vinh này của hàng trăm DN Trung Quốc không chỉ ở trong Thương hội của ông.

Thành Nam
 

Theo cadn.com.vn