Thứ sáu, 01/08/2014
Những sai phạm 'khủng' của nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh
Trước khi bị bắt, ông Phạm Công Danh gây ra một số sai phạm, cụ thể là ông Danh đã thuê trụ sở để làm văn phòng trong 40 năm với chi phí bỏ ra hơn 1.056 tỷ đồng.
Ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ việc được điều tra theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Phạm Công Danh.
Tin tức cho biết ông Phạm Công Danh, sinh năm 1965 tại Quảng Ngãi, có nhiều năm hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng và tham gia ngành tài chính NH khoảng vài năm trở lại đây.
Trước khi ông Danh bị bắt, thông tin về một số sai phạm trong quá trình hoạt động tại NH Xây dựng từng được đặt ra với ban lãnh đạo NH này.
Cùng bị bắt với ông Phạm Công Danh còn có 2 lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh.
1. Họ và tên: Phan Thành Mai, Giới tính: Nam.
Sinh ngày: 20/6/1971, tại Nghệ An.
Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh.
Nghề nghiệp: Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc.
2. Họ và tên: Mai Hữu Khương, Giới tính: Nam.
Sinh ngày: 19/8/1983, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh.
Nghề nghiệp: Nguyên thành viên Hội đồng quản trị, phụ trách Tài chính tập đoàn Thiên Thanh.
Những người có tên nêu trên có tham gia Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Trước đó, ngày 28/7/2014, để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và đúng pháp luật của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã có các Quyết định miễn nhiệm các đối tượng trên và đồng thời thống nhất bầu, bổ nhiệm nhân sự thay thế.
Từ năm 2012 cho đến nay, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập. Sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Liên quan đến những sai phạm của ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, theo báo Người Lao Động, ngân hàng Xây dựng dưới thời hai ông này đã có nhiều sai phạm liên quan đến quá trình thuê trụ sở ở số 286 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM), quá trình cho vay một số doanh nghiệp thua lỗ gây nguy cơ nợ xấu, ủy thác đầu tư và đầu tư cơ sở vật chất khi chưa được NHNN cho phép…
Cụ thể theo báo Dân Việt, việc ngân hàng này đã thuê trụ sở để làm văn phòng trong 40 năm với chi phí phải trả tiền thuê mặt bằng hơn 1.056 tỷ đồng. Điều lạ lùng ở đây là số tiền thuê trụ sở này được ngân hàng ứng trả trước hơn 1.021 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng, gần bằng với số tiền thuê trụ sở trong 40 năm.
Ngày 3/3/2014, ông Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng xây dựng Việt Nam – đã có văn bản (số 17/2014/CV-VNCB) gửi đến các cổ đông về việc xin ý kiến ký kết hợp đồng hợp tác (hợp đồng thuê tại địa chỉ 816 Sư Vạn Hạnh, P12, Q10, TP.HCM) làm trụ sở văn phòng của VNCB.
Tại văn bản này, ông Phạm Công Danh nêu rõ: Qua hơn một năm thực hiện phương án tái cơ cấu, đến nay VNCB đã củng cố được niềm tin khách hàng, quy mô vốn điều lệ được nâng lên từ 3.000 tỷ đến nay đạt 7.500 tỷ đồng, đồng thời xin ý kiến các cổ đông đồng ý cho Ngân hàng thương lượng các điều khoản để ký hợp đồng hợp tác (hợp đồng thuê) với Công ty TNHH MTV TM và DV Hương Việt sử dụng mặt bằng vào mục đích đặt văn phòng làm việc tại địa chỉ 816 Sư Vạn Hạnh, P12, Q.10, TP.HCM với diện tích mặt bằng hợp tác là 8.357m2 (gồm đất trống 3.135m2 + diện tích sàn sử dụng là 5.222m2). Tổng phí hỗ trợ sử dụng mặt bằng chưa bao gồm thuế VAT hơn 3,15 tỷ đồng/tháng, thời hạn thuê 40 năm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền mà ngân hàng đặt cọc cho bên có mặt bằng cho thuê là… hơn 756,71 tỷ đồng và ứng trước 10 năm ngay sau khi ký hợp đồng số tiền hơn 264,85 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền mà VNCB ứng trước là 1.021 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thuê trụ sở nói trên tính ra trong 40 năm thì ngân hàng này phải trả là 1.056 tỷ đồng. Số tiền ứng trước gần bằng số tiền thuê phải trả trong 40 năm.
Điều lạ lùng ở đây, theo một chuyên gia về bất động sản, với số tiền thuê nhà hơn 1.000 tỷ đồng như vậy (trong khi vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ 7.500 tỷ đồng), VNCB hoàn toàn có thể mua được một trụ sở hoành tráng ở TP.HCM để hoạt động. Hiện nay, trụ sở mà Ngân hàng xây dựng Việt Nam tại địa chỉ nói trên đã được sửa sang, nâng cấp chuẩn bị đi vào hoạt động.
Ông Danh (Cuộc trao đổi của Báo Người Lao Động với ông Danh vào khoảng giữa tháng 6/2014) cũng từng thừa nhận một số sai phạm trong quá trình điều hành NH nhưng không lớn so với chiến lược của ban lãnh đạo. Ông Danh giải thích về sai phạm trong quá trình thuê trụ sở cho ngân hàng Xây dựng ở 2 địa chỉ trên: “Có sai sót nhưng không đáng kể so với chiến lược của chúng tôi, và bản chất vấn đề chúng tôi không có lợi gì”. Đồng thời cho biết đang khắc phục cũng như chờ ý kiến từ phía Tổ giám sát, NH Nhà nước và sẽ tuân thủ yêu cầu của NH Nhà nước.
Sau đó, tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã vào cuộc và đã có văn bản kết luận liên quan đến những sai phạm xảy ra tại ngân hàng này.
Theo Chinhphu.vn: Ngày 29/7/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với: Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Phan Thành Mai, nguyên thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh; Mai Hữu Khương, nguyên thành viên Hội đồng quản trị, phụ trách tài chính Tập đoàn Thiên Thanh. Theo thông tin ban đầu, bị can Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, thành viên của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có hành vi gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng trong việc thuê mướn bất động sản để đặt trụ sở văn phòng. Lợi dụng việc này, Danh đã đặt cọc và ứng trước với bên cho thuê hơn 1.000 tỉ đồng. Hợp đồng với bên cho thuê được ký kéo dài 40 năm. Phạm Công Danh là cổ đông lớn của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và hiện đang làm Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. |
Tuệ Lâm (Tổng hợp)
Theo nguoiduatin.vn
Cùng chuyên mục:
- Nhà giàu Myanmar khát căn hộ cao cấp (Thứ ba, 14/07/2015)
- Bộ trưởng Xây dựng: 'Nhà đất tăng giá không phải do đầu cơ' (Thứ ba, 14/07/2015)
- Thị trường căn hộ dịch vụ cạnh tranh gay gắt (Thứ ba, 14/07/2015)
- Đà Nẵng: Chuẩn bị tổ chức đấu giá 300 lô đất tái định cư (Thứ bảy, 06/06/2015)
- Đà Nẵng có thêm nhiều khu (Thứ hai, 01/06/2015)
- Đầu tư vào đâu có lợi nhất? (Thứ ba, 19/05/2015)
- Đà Nẵng bán đất tái định cư thừa, chung cư cho cán bộ công chức và người dân (Thứ bảy, 07/03/2015)
- Dành 'đất vàng' xây Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện Đà Nẵng (Thứ sáu, 06/03/2015)