Thứ hai, 15/09/2014

Hơn 155 nghìn tỷ đồng phát triển giao thông Đà Nẵng đến năm 2030

Theo tin từ Sở GTVT Đà Nẵng, UBND thành phố này vừa phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 dự kiến là 65.677 tỷ đồng, đến năm 2030 là 155.477 tỷ đồng.

 

 

 

Theo Quy hoạch sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị chiếm 20% - 26% đất xây dựng đô thị; Tăng mật độ đường đến 3-5 km/km2 đến năm 2020, 05-06 km/km2 đến năm 2030; Mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt từ 2 – 2,5 km/km2 diện tích đất xây dựng đô thị…
 

 


Dự kiến đến năm 2030, Sân bay Đà Nẵng sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách/năm


Cụ thể, về hạ tầng đường bộ sẽ phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại (đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Quảng Trị - Đà Nẵng) và các tuyến đường Quốc lộ (tuyến Nam hầm Hải Vân, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14G) theo quy hoạch Quốc gia.


Đồng thời nâng cấp các tuyến đường vành đai (vành đai phía Nam, phía Bắc, phía Tây), các tuyến đường tỉnh lộ (đường ĐT601, ĐT602 đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường vành đai phía Tây, ĐT605 đoạn từ Km935+165 quốc lộ 1A đến Hòa Tiến), các tuyến đường huyện (ĐH4 và ĐH8) và mạng lưới đường đô thị (các tuyến đường trục chính đô thị, đường liên khu vực).


Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu đầu tư thêm các công trình cầu vượt sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ, sông Túy Loan, sông Cổ Cò, sông Lỗ Giáng, sông Vĩnh Điện, sông Yên và sông Cu Đê; Xây dựng khoảng 09 nút giao liên thông và 38 nút giao trực thông kết hợp điều khiển bằng đèn tín hiệu.


Về hệ thống giao thông tĩnh sẽ quy hoạch các bến xe buýt (đầu, cuối, trung chuyển phục vụ hệ thống vận tải công cộng), đến năm 2030 nghiên cứu xây dựng thêm 1 bến xe phía Bắc. Riêng hệ thống bãi đỗ xe và bến xe tải dựa theo quy hoạch giao thông tĩnh đã được thành phố phê duyệt.


Vận tải hành khách công cộng sẽ quy hoạch 1 tuyến tàu điện ngầm (Metro) kết nối các khu đô thị phía Bắc, trung tâm và phía Nam; 3 tuyến xe điện bánh sắt (Tramway) và 4 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng bằng taxi (tỷ phần đảm nhận 10-12% tổng thị phần vận tải công cộng đến năm 2030) và xe điện (tỷ phần đảm nhận 1% tổng thị phần vận tải công cộng đến năm 2030)...


Về hệ thống giao thông đường biển, sẽ xây dựng cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 về lâu dài có thể phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung.


Đối với hệ thống đường thủy nội địa sẽ quy hoạch một số vị trí bến bãi phục vụ vận chuyển, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng, bãi tập kết vật liệu, các bãi bến thuyền phục vụ du lịch tại các khu du lịch ven bán đảo Sơn Trà, biển Phạm Văn Đồng, T20, Non nước, bến du thuyền dọc sông Hàn; và nâng cấp một số tuyến đường thủy lên cấp V, IV.


Về đường sắt, đến năm 2020 sẽ tập trung triển khai di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga Đà Nẵng mới với quy mô 33ha (giai đoạn 1), ga Kim Liên mới. Đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục di dời đường sắt ra ngoài thành phố Đà Nẵng, xây dựng 20km tuyến đường sắt quốc gia và Hầm Hải Vân mới.


Về đường hàng không, sẽ quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 6 triệu lượt hành khách mỗi năm đến năm 2020, lượng hàng hóa tiếp nhận khoảng 200.000 triệu tấn/năm. Định hướng đến năm 2030 xây dựng nhà ga đạt mức 10 triệu lượt khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.


Dự kiến tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 là 65.677 tỷ đồng, đến năm 2030 là 155.477 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn vốn thực hiện quy hoạch trên gồm được huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại, mở rộng các hình thức BOT, BOT, PPP...

 

M.L



Theo thoibaonganhang.vn