Thứ năm, 07/08/2014

Địa ốc Đà Nẵng: Cần định lại tâm lý thị trường

Theo các chuyên gia, hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư bất động sản lớn đã “trực chỉ” hướng đầu tư vào miền Trung, dự báo chặng cuối năm 2014 sẽ có thêm nhiều thông tin “nở rộ lạc quan”. Song đằng sau hướng mở cơ hội này, không ít nhà đầu tư địa ốc vừa và nhỏ vẫn tỏ ra băn khoăn?

 

Lý do đơn giản được các nhà đầu tư này chỉ ra, là họ rất khó định vị được tâm lý thị trường để đầu tư cũng như nắm bắt cơ hội từ người có nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng, qua đó mạnh dạn nắm lấy cơ hội kinh doanh hay không.

Hai nhân tố

Nói đến tâm lý đầu tư, 1 chủ sàn giao dịch địa ốc Đà Nẵng nhìn nhận, thực tế khu vực này đang tồn tại 2 dạng “quy ước sở hữu” khiến người ta ngần ngại.

Thứ nhất, là ảnh hưở ng “yếu nhân”. Chủ sàn này nhìn nhận: “Chả hiểu sao, tại Đà Nẵng này người ta lại nói đến nhiều hình ảnh “người quan trọng” như vậy. Nhiều lô đất, dự án lớn, nhiều năm không dịch động, triển khai gì, vẫn không thấy ai đề cập sự trì trệ đó. Ai hỏi đến, lại có thông tin rằng, chỗ đó thuộc quan chức A, gia đình ông B…, thậm chí là của 1 viên chức quản lý tài nguyên nào đó… Những hình ảnh và thông tin như vậy, hầu như bao trùm lấy thị trường”.

Thứ hai, là ảnh hưởng “tập đoàn lớn”. Không ít nhà môi giới đánh giá, so với 2 đầu đất nước, sự hiện diện của các tập đoàn kinh doanh tại Đà Nẵng không “bề thế” bằng. Nhưng ở đây, lại có 1 bối cảnh thể hiện “uy lực đầu tư” rất tập trung. “Nhiều người cho rằng, các tập đoàn tên tuổi sẽ được tạo điều kiện tốt để làm ăn, phát triển nơi đây, hơn là các đơn vị nhỏ lẻ”, một nhà đầu tư nói.


Địa ốc Đà Nẵng: Cần định lại tâm lý thị trường

Sun Group được định vị là tập đoàn đầu tư bất động sản quy mô nhất tại Đà Nẵng. Ảnh: N.Đức

 

Biểu hiện cụ thể của mối nghi hoặc này, là giới địa ốc Đà Nẵng giờ đây đều thừa nhận, ưu thế thị trường thuộc về “doanh nghiệp rầm rộ” như tập đoàn Sun Group. Tập đoàn này hiện đang có nhiều dự án đầu tư lớn nhỏ ở Đà Nẵng, nổi bật là dự án khu du lịch Bà Nà Hills và dự án khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở bán đảo Sơn Trà.

Có vẻ song hành Sun Group nhưng kín đáo, thậm chí “bị đánh giá” là giấu kín, 2 “đại gia” Thành Đô và Vincom cũng có 1 số dự án triển khai ở Đà Nẵng. Trong mắt giới đầu tư, 2 đơn vị này “rất khéo” để không hề thể hiện khả năng chi phối thị trường nào, “nhường hết cơ hội” cho Sun Group.

Tập đoàn chi phối địa ốc thứ 2 ở Đà Nẵng, được nhiều người định vị, là địa ốc Phương Trang. Đơn vị này từng triển khai rầm rộ nhiều dự án đầu tư, nhưng đến nay, theo đánh giá chung có 1 số vướng víu về quan hệ sở hữu bất động sản, tài chính ngân hàng nên “tạm chững lại”. Có thể nói, Phương Trang Land có khả năng xoay trở nguồn vốn linh hoạt, theo giới chuyên môn là “biết đổi 3 ra 4” qua thế chấp tài sản mà phát triển dự án. Song rõ ràng, nguồn lực đầu tư Phương Trang vì thế “bị đánh giá” không sánh cùng Sun Group.

Xếp sau 2 tập đoàn này dĩ nhiên là các đơn vị thận trọng hơn, có những hoạt động đầu tư ít va chạm với thị trường, sử dụng những nguồn quỹ đầu tư như Vina Capital, Indochina Land, hay mới đây và “tai tiếng” là Thiên Thanh…

Một niềm lo?

Vấn đề đọng lại với nhiều nhà đầu tư, qua những biểu hiện “chiếm lĩnh thị trường” và tồn đọng thông tin như vậy, dư luận đánh giá sẽ rất khó khăn để có thêm những nhà đầu tư khác mạnh dạn đi vào thị trường Đà Nẵng.

Theo phân tích, phân khúc đất nền Đà Nẵng, vốn thuộc quản lý của Nhà nước, hầu như đang do các ban quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước tham gia hoạch định phát triển. Phân khúc các dự án đầu tư lớn, thì theo tâm lý xã hội, lại đang bị chi phối bởi các tập đoàn quy mô, các nguồn quỹ đầu tư từ góc cạnh “2 nhân tố” như đã phân tích.

Địa ốc Đà Nẵng: Cần định lại tâm lý thị trường

Không định vị rõ tâm lí, các nhà đầu tư sẽ rất ngại tìm cơ hội địa ốc tại Đà Nẵng. Ảnh: N.Đức

Một lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường Đà Nẵng thừa nhận, chính những nhập nhèm thông tin, và định vị ưu thế với tập đoàn lớn như Sun Group, đang tạo nên “1 vòng kim cô” quanh thị trường nơi đây. Ông này phân tích, đơn cử với vụ việc ban lãnh đạo Thiên Thanh bị khởi, cơ quan chức năng mới đặt ra câu hỏi tiềm lực tập đoàn này thế nào và suy xét lại thực lực đầu tư các dự án ở Đà Nẵng và miền Trung. Nếu không có sự vụ khởi tố ấy, rõ ràng cái bóng như rất bí ẩn của tập đoàn này sẽ vẫn ngự trị tại thị trường nơi đây và làm trì trệ những dự án “đất vàng” như sân vận động Chi Lăng.

Vậy, phải chăng đã đến lúc, các cấp ngành quản lý địa phương và cả Trung ương cùng phải nhìn nhận lại thực trạng quy hoạch và khai thác bất động sản ở khu vực Đà Nẵng. Làm sao để minh định rõ với thị trường các thông tin sở hữu và ưu thế sở hữu của các dự án, khu quy hoạch thuộc về đơn vị nào hay cá nhân nào, là câu hỏi rất cần giải đáp.

Có như vậy, thị trường địa ốc Đà Nẵng mới sáng tỏ hơn về các phân khúc đầu tư, tiến đến minh bạch trách nhiệm ở các dự án lớn đang “đắp chiếu lặng lẽ” hiện nay. Thậm chí nếu có nhà đầu tư công bố “trả đất”, địa phương cũng sẽ không lúng túng chấp nhận, khi xác định rõ nguồn vốn đầu tư ở các dự án.

Đặc biệt, minh định tâm lý nhà đầu tư, để họ có thể mạnh dạn nhìn thấy cơ hội cho mình tại mảnh đất này, cũng chính là cơ hội cho thị trường Đà Nẵng khởi sắc hơn, trong thời gian đến!

 

Nguyên Đức
 


Theo cafeland.vn